(Nguoiduatin.vn) – Đối với những “cao thủ” trong thế giới phá
khóa, điểm chung của các loại khóa, dù đắt hay rẻ chính là đều bị khuất
phục một cách dễ dàng.
Lâu nay tại các thành phố lớn, việc những chiếc xe đắt tiền được khóa
kỹ càng chỉ “bốc hơi” trong vài phút, hay một ngôi nhà trang bị ổ “hạng
nặng” bị “thổi bay” không phải là chuyện hiếm. Nhiều khổ chủ sau khi bị
mất đồ vẫn ngẩn ngơ vì không biết đạo chích ra tay bằng cách nào. Mặc
dù tiếc của nhưng rốt cục cũng phải cúi đầu chẹp miệng: “Đúng là mình hớ
hênh nhưng mà ngẫm lại cũng… “phục tài” đám siêu đạo chích”.
Nhan nhản bậc thầy phá khóa
Lâu nay, dường như những bí kíp phá khóa chỉ lưu truyền trong giới
sửa khóa, trộm cắp hoặc nhân vật trong phim, truyện trinh thám. Người bị
mất đồ nhiều khi vò đầu bứt tai đến phát điên nhưng vẫn không hiểu tại
sao có những chiếc khóa trị giá cả triệu bạc mà bọn trộm “nắn bóp” một
chút đã “quy hàng”. Tất cả những vụ trộm cắp trên khiến cho cái thế giới
của dân phá khóa ngày càng nhuốm màu kỳ bí. Mới cách đây khoảng một
tháng, công an Q. Phú Nhuận (TP.HCM) đã bắt được siêu trộm xe Nguyễn Văn
Luận (SN 1974, ngụ đường Trường Sơn, P15, Q10). Theo một số trinh sát
kỳ cựu của Đội CSĐTTP về TTXH, CA Q.Phú Nhuận chia sẻ, khi khám xét
người Luận, công an thu giữ bộ đồ nghề gồm hàng chục chìa khóa vạn năng
dùng để mở khóa xe. Với bộ đồ nghề này thì chẳng có loại khóa xe nào…
trụ nổi quá 15 phút. Tại cơ quan công an, Luận khai đã nghiên cứu rất kỹ
các loại khóa cổ xe, sau đó tự sản xuất chìa, đoản phù hợp để phá khóa.
Thời gian qua, gã cùng đồng bọn đã thực hiện nhiều phi vụ trộm cắp xe
máy xịn như Vespa, SH, Air Blade… sau đó bán lại cho một số đầu nậu đưa
sang bên kia đường biên tiêu thụ. Nói thế để biết rằng, những cao thủ
trộm cắp hiện nay “tinh vi” đến mức nào.
Để thâm nhập vào thế giới sửa khóa, chúng tôi đã tìm gặp ông Quang,
một thợ khóa lão luyện trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Đưa
chiếc khóa nhãn hiệu Việt – Tiệp ra, trong vòng chưa đầy 5 phút, chiếc
khóa đã “ngả mũ” với vài cái “móc móc, cào cào”. Đặt chiếc khóa đã bị
tháo tung vào tay tôi, ông Quang cười tủm tỉm: “Ngày trước dân ta chủ
yếu dùng vài loại khóa “Tàu” . Khi đó, do mức sống chưa được như bây giờ
nên chiếc khóa chưa được coi trọng. Mười năm trở lại đây, khi đã có của
ăn của để, người ta bắt đầu chú ý hơn trong việc trông giữ của cải.
Những thương hiệu nổi tiếng từ Mỹ, Ý, Đức… cũng nhờ thế mà tràn ngập
Việt Nam với muôn vàn chủng loại khác nhau. Loại khóa nào cũng tự nhận
là tốt, an toàn nhất có giá từ vài chục hàng triệu đồng…nhưng chúng đều
có một điểm chung, đó là dù có tinh vi đến đâu thì cũng chỉ trụ được 15
phút dưới những “tay móc” chuyên nghiệp. Thậm chí, nhiều loại khóa dỏm
tự bung ra khi chiếc khóa đa năng vừa chọc vào”.
Thấy tôi có vẻ không tin, ông chỉ tay vào chiếc xe Honda Airblade
nói: Mấy loại ổ có lỗ dẹp như thế này thì đơn giản lắm. Nhìn qua là tôi
biết làm chìa liền. Cứ đoán ổ bi của chúng mà giũa, độ chính xác cũng
phải đến 80%. Nói là làm, chưa đầy 5 phút, chiếc khóa đã được ông ta
giũa xong. Chúng tôi cầm chiếc khóa “nhái” đó nhét khóa và ô khóa rồi
vặn nhẹ và nhấn ga, chiếc xe nổ máy một cách ngon lành. Cầm một trăm
nghìn đồng từ tay tôi, ông Quang bảo, không chỉ mình ông có “phép thuật”
mà hầu hết các thợ khóa hay kẻ trộm đều có thể làm được. Quả nhiên, rảo
quanh một vòng có thể thấy những “quái kiệt” bẻ khóa như bẻ kẹo xuất
hiện nhan nhản. Người mới vào nghề còn bó tay trước một số loại khóa lạ,
khó, chứ với dân kỳ cựu thì “nhạc nào cũng nhảy”.
Cả tá chìa vạn năng do siêu trộm Nguyễn Văn Luận tự chế
Khóa ngoại made in… Chợ Lớn
Theo như lời những thợ khóa có thâm niên thì trên thị trường hiện có
rất nhiều loại khóa ngoại, mang các thương hiệu nổi tiếng như Solex,
Yale, Master (Mỹ), Fadex (ý), (Đức)… Các loại khóa trên có hai dạng khóa
ổ treo (khóa móc) và khóa ổ chìm (loại có tay gạt hoặc tay núm tròn).
Tuy nhiên, người dân đâu biết rằng, hầu hết những loại đang được bán
trôi nổi trên thị trường hiện nay đều là khóa “rởm” xuất xứ từ Trung
Quốc. Với những loại khóa chính hãng như Solex, Corbin, Z.Ikon thì hầu
hết được cấu tạo bởi hai hàng bi (hoặc nhíp) bằng thép hoặc vật liệu
siêu cứng và có thân khóa khó có thể cắt, phá bằng cách thông thường.
Tuy nhiên người Trung Quốc đã phù phép những những sản phẩm uy tín toàn
cầu này theo cách phổ thông, đơn giản, ít tốn kém nhất. Họ đã bớt đi một
vài hàng bi (nhíp) trọng yếu nhất, các thành phần còn lại đều được chế
tạo bởi những chất liệu rẻ tiền, Mặc dù thân và càng khóa có vẻ tinh
xảo, chắc chắn nhưng đều có thể bị cắt, phá dễ dàng. Tỉ lệ ổ khóa bị
những tên “đạo tặc” hóa giải thành công là 99%. Trong khi đó, 1% còn lại
mở không được thì có lẽ do chủ nhân may mắn. Tuy nhiên, với những
trường hợp này thì ổ khóa đó cũng hư luôn và chính bạn cũng không thể
dùng chìa để mở được.
Theo anh Cường, một thợ sửa khóa trên đường (Phạm Hùng, Q. 8) cho
biết, những hàng hiệu Made in Trung Quốc vẫn chưa phải là sản phẩm tồi
tệ nhất, bởi vì, chúng được sản xuất ở “nước ngoài”. Có lẽ tồi tệ nhất
là những loại khóa sản xuất theo kiểu “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”.
Anh Việt Linh, chủ cửa hàng khóa trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10) cho
biết: Cửa hàng anh cung cấp rất nhiều loại khóa cửa cho các công trình
từ hơn chục năm nay. Tuy nhiên, có một điều là ngay cả những người trong
nghề nhiều lúc cũng khó phân biệt được đâu là hàng thật của Ý, đâu là
hàng giả của Trung Quốc. Cả hai loại này đều được làm rất giống nhau đến
từng hàng chữ. Cách phân biệt duy nhất hiện nay là khóa Fadex chính
hiệu có dán tem, khóa Fadex giả thì ngược lại…
Anh Nguyễn Tiến Lộc (Lạc Long Quân, Q.Tân Bình) cho biết: Ở nhà anh,
tầng trệt dùng để kinh doanh bán hàng. Ban ngày thì vừa bán hàng vừa coi
nhà luôn, còn ban đêm cả nhà kéo nhau lên tầng trên ngủ. Vậy mà chỉ mới
từ đầu năm đến giờ, anh đã phải thay khóa biết bao nhiêu lần nhưng vẫn
không yên tâm. Cánh cửa nhà anh kẹp ba ổ khóa, mỗi ổ giá cả triệu đồng
nhưng dùng chưa đến ba tháng đã… tự hỏng. Lúc đi mua, chủ cửa hàng nào
cũng giới thiệu khóa của nhà mình là hàng xịn. Tuy nhiên, cùng một cái
khóa y như nhau có chỗ bán 1 triệu đồng/bộ có chỗ lại chỉ bán với giá
300.000 đồng/bộ. Để chắc ăn, anh bỏ tiền mua hẳn cái giá 1 triệu đồng vì
nghĩ rằng hàng xịn dùng được lâu nhưng vẫn “ăn” phải đồ đểu.
Từ thực tế phức tạp trên, theo lời anh Hoàng, một thợ khóa trên đường
Quang Trung (Gò Vấp) thì để gia cố độ an toàn cho mình, khi mua khóa,
tốt nhất bạn nên tìm mua ở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm hoặc nơi bán
có uy tín. Dù không dám khẳng định ở những nơi đó bán khóa xịn 100%,
nhưng ít nhất còn yên tâm hơn
Mua được khóa “xịn” ở Việt Nam rất khó Nói về thị trường khóa hiện nay, một cán bộ Đội Quản lý thị trường Q. 5 khẳng định: Khóa Solex chính hiệu hiện rất hiếm. Trên thị trường nếu có, giá phải hơn 1 triệu đồng (loại khóa tay gạt), nhưng phải đặt trước. Nguồn hàng có được chủ yếu là số dư sau khi dùng cho các công trình cao cấp hoặc hàng thuộc dạng quà biếu từ nước ngoài. Hai năm qua, khóa Solex chính hiệu USA đã thực sự bỏ chạy khỏi thị trường Việt Nam vì không cạnh tranh nổi với khóa Solex giả của Trung Quốc. Tuy vậy, trên thị trường khóa ở TP.HCM các loại khóa Solex vẫn được bày bán rất nhiều. Nhiều chủ cửa hàng quảng cáo với khách rằng đây là hàng chính hiệu, sản phẩm liên doanh với Thái Lan, Đài Loan. Nhưng thực ra, loại khóa đó hầu hết là của Trung Quốc và một số lượng nhỏ do các cơ sở Chợ Lớn sản xuất (chủ yếu là khóa treo). Những cửa hàng khóa nhan nhản trên đường với gần như là “rởm toàn tập”. |
Bạt Phong