Hơn 20 năm qua, tại góc ngã tư Phủ Doãn-Đường Thành, người ta luôn
bắt gặp người đàn ông khuôn mặt hiền lành chất phác cặm cụi mài rũa bên
tấm bảng hiệu đơn giản đề chữ “Toàn khóa.”
Anh là Vũ Văn Toàn, người được giới thợ sửa khóa Hà Thành gọi là bậc “cao thủ” trong nghề, anh cũng chính là Bí thư chi bộ thôn Tương Chúc, Thanh Trì nơi có nghề sửa khóa trứ danh.
Anh là Vũ Văn Toàn, người được giới thợ sửa khóa Hà Thành gọi là bậc “cao thủ” trong nghề, anh cũng chính là Bí thư chi bộ thôn Tương Chúc, Thanh Trì nơi có nghề sửa khóa trứ danh.
Khóa Hà Nội xưa
Không biết nghề sửa khóa ở thôn Tương Chúc, Thanh Trì, Hà Nội có từ
bao giờ, những cụ già hơn 80 trong làng cũng chỉ biết khi tóc để chỏm
đào đã thấy ông, cha chữa khóa.
Thôn Tương Chúc hiện có hơn 100 người thợ mưu sinh bằng nghề sửa
khóa. Với Toàn, thủa bé anh đã thấy ông nội xách hòm đi sửa khóa, rồi
đến bố anh truyền lại nghề cho anh. Hiện nhà anh có năm người, ba anh em
ruột và hai người em rể đều kiếm sống bằng nghề sửa khóa.
Trước lớp thợ sửa khóa trung niên như Toàn, là lớp thợ già đã ngoại
thất thập như cụ Thạo, cụ Kính, cụ Ba, cụ Bang. Theo các cụ, đình làng
trước kia có câu đối về nghề sửa khóa, và có thờ cả thành hoàng làng
khai sinh ra nghề.
Trước kia, người làng Tương Chúc xách hòm gỗ đi sửa khóa khắp ngõ
ngách Hà Nội. Những người tay nghề cao thì ngồi ở khu vực Đền Bà Kiệu,
Hàng Bè, Nguyễn Du… người dân có nhu cầu thì tự tìm đến. Thời bao cấp,
thợ sửa khóa đi tàu điện từ ngoại ô vào nội thành, sau này thì có xe
đạp. Hiện nay thợ sửa khóa đều có xe máy đi làm.
Năm 20 tuổi, sau khi rời quân ngũ, Toàn sắm hòm đồ nghề khóa đi theo
những bậc đàn anh để chữa khóa dạo. Hai năm sau, đến năm 1990 anh bắt
đầu “định cư” ở ngã tư Phủ Doãn-Đường Thành.
Hơn 20 năm trong nghề, hầu như tất cả những con phố cũ của Hà Nội anh
đều từng có mặt để chữa khóa. Loại khóa đặc trưng nhất của phố cổ Hà
Nội là khóa Pháp. Loại khóa này thoạt nhìn thì rất đơn giản, nhưng bên
trong rất phức tạp vì nó cấu tạo từ nhíp. Đó là những thanh sắt uốn sắp
xếp lại với nhau theo chu trình riêng chứ không dùng bi, độ chính xác
của nó không thể như khóa bi bây giờ, nên cách sửa rất ít người biết.
Kiểu cách của chìa khóa cũng khác, có những loại chìa nhìn rất cổ quái,
phôi chìa khóa Pháp hiện nay nhiều loại cũng không còn tồn tại nữa nên
thợ rất khó để làm lại. Nếu không hiểu sẽ rất khó mở để sửa chữa.
Toàn kể, những nơi còn sử dụng các loại khóa Pháp là khóa két đời cũ ở
các công sở, công thự cũ, các công trình tôn giáo như nhà thờ, một số
biệt thự cổ từ thời Pháp với hệ thống cửa Balô theo kiến trúc Pháp.
Trong khu phố cổ, chỉ một số nhà còn lưu giữ các tủ chè cổ, tủ đứng và
tủ chùa cổ hàng trăm năm mới còn hệ thống khóa kiểu này. Những người Hà
Nội mang khóa Pháp cổ đến đây sửa ngày càng hiếm, hiện giờ, có khi cả
tháng cũng chả có ai đến sửa.
Làm tốt mình cũng thấy yên tâm
Không như cánh thợ khác, Toàn phải khéo sắp xếp thời gian để “làm
việc nước” trước khi tính chuyện nghề. Họp hành, triển khai nghị quyết,
giải quyết hết công việc của thôn với cương vị Bí thư chi bộ, Toàn mới
phóng xe hơn chục cây số đến ngã tư quen thuộc.
Công việc chính của thợ sửa khóa như Toàn hiện nay là làm khóa chống
trộm các loại xe máy, chủ yếu là xe tay ga đắt tiền như SH, Spacy,
Vespa, LX vì loại xe này dễ bị mất cắp. Đây là những xe có khóa chống
trộm nhưng thực tế nó chỉ tốt hơn ở chỗ có khóa từ, khi đánh chìa khác
mở thì xe không nổ, nhưng trộm xe ít khi mở khóa mà dùng cách phá khóa,
nên không cẩn thận cũng dễ bị kẻ trộm phá khóa.
Ngay cả các loại khóa ôtô, chủ nhân quên khóa trong buồng lái hoặc
cốp sau đều phải nhờ cậy đến những thợ khóa như Toàn. Với các xe thông
dụng như Toyota thì toàn có thể chỉ cần đến 5, 10 phút đã mở được rồi.
Các loại ôtô xịn như của BMW, Mercedes thì việc mở xe phức tạp hơn, phải
khoan một lỗ nhỏ như cái nan hoa xe máy 3, 4 li sau đó dùng que sắt đưa
vào đúng chỗ kéo ra. Muốn thế phải hiểu cơ cấu và nguyên lý của khóa
xe.
Theo Toàn, loại khóa an toàn nhất, bền và giá cả hợp lý nhất là khóa
của Tiệp xịn. Khóa tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào đường rãnh, do
rãnh của khóa để chìa cắm vào rất khít và phức tạp nên rất an toàn, độ
chính xác giữa khối bi với vỏ rất cao, khít và chất liệu khóa rất chuẩn.
Muốn làm thợ khóa trước hết phải có tay nghề, thứ hai là yêu nghề và
phải giữ uy tín, bởi theo Toàn: “Mình làm tốt hay chưa tốt thì người
dùng không thể biết được, nhưng mình làm phải tốt để chính bản thân mình
cũng yên tâm. Tài sản của người ta an toàn hay không phụ thuộc rất
nhiều vào tay mình, bởi lẽ có những cái mất mát không bù đắp lại
được”./.
(TT&VH/Vietnam+)