NHẬN:

* Mở-Sửa-Làm chìa các loại khoá nhà, xe hơi, xe máy, két sắt.

* Tư vấn và lắp đặt các loại khoá, máy báo trộm điện tử.

* Cung cấp mọi dịch vụ tại tư gia và cơ quan.

* Phục vụ 24/24 trong nội thành TP-HCM.

Email: hoasuakhoa0049@gmail.com

Tel: 0918460049 - (08). 39910049

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Nghề sửa khóa

Thời buổi hiện đại, để bảo vệ tài sản của mình, hầu hết mọi người đều tin cậy vào ngân hàng, hoặc vào các thiết bị khóa kỹ thuật, điện tử để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Những tưởng hình ảnh của bác thợ sửa khóa làm chìa lọm khọm bên đường sẽ lùi vào dĩ vãng. Nhưng thật bất ngờ anh Mai Văn Phước, một thợ sửa khóa ở chợ An Khánh, quận 2, TP.HCM cũng là người quen của tôi bật mí: “Chưa bao giờ nghề sửa khóa, làm chìa lại làm ăn được như ngày nay”.
Đang gặp… thời

Để thuyết phục hơn, anh Phước dẫn chứng: “Chú cứ nhìn thử coi, ngày trước góc chợ này chỉ có 2 thợ sửa khóa thôi, giờ đã 8 người chen chúc nhau, vậy mà công việc làm không hết, thế mới nói nghề này đang gặp thời”. Để kiểm chứng thực tế, chúng tôi dạo quanh các con đường, khu bệnh viện, trường học, khắp ngõ ngách Sài Gòn… và chỗ nào cũng thấy “cắt khóa làm chìa” với thùng đồ nghề và xâu chìa lủng lẳng.
Anh Long, một thợ làm khóa trước cửa Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM vui vẻ cho biết: “Nghề này nói là nghề thời thượng cũng được, nói ăn theo cũng đúng, vì thợ làm khóa “ăn theo” những căn nhà mới cất, tài sản mới “tậu” và xe cộ mới sắm của mọi người. Do vậy, ở đâu có nhà cửa mới cất là ở đó có mặt… thợ khóa”.

Anh Long với tủ sửa khóa của mình đã nuôi hai đứa con ăn học.
Vừa nói chuyện với chúng tôi anh Long thoăn thoắt đôi tay cắt, mài giũa lại những chiếc chìa theo đơn đặt hàng của khách. Thỉnh thoảng lại có những vị khách làm gián đoạn công việc của anh Long, khi thì cô bé dắt chiếc xe máy đã mất khóa, khi thì người phụ nữ với nét mặt căng thẳng vì đánh rơi chìa khóa ở đâu đó không vào nhà được. Những lúc như vậy vai trò của người thợ sửa khóa như anh Long trở nên cực kỳ quan trọng và thu nhập từ những việc này có khi là vô chừng tùy theo “túi tiền” và tấm lòng của khách.
Anh Phước hồ hởi kể: “Ít ai nói về thu nhập của mình, chỉ có những người trong nghề mới biết thôi, nhưng chắc chắn nghề này thu nhập một tháng không dưới 6 triệu, đừng thấy với xâu chìa lủng lẳng và thùng đồ nghề cũ kĩ mà chê…”. Cắt nghĩa về khoản thu nhập này cho chúng tôi hiểu anh nói một cách rành rọt: “Cứ một chiếc chìa bị mất đánh ra có giá từ 15.000 – 20.000đ, còn những chìa có mẫu thì 10.000 – 15.000đ. Một ngày ở khu chợ này tôi làm không dưới 15 chiếc chìa, một tháng 30 ngày cứ vậy mà tính ra…”.
Tuy nhiên, theo anh đó cũng chưa ăn thua gì, anh kiếm được nhiều tiền hơn nhờ những lần được gọi tới tận nhà để mở khóa, những lúc như vậy anh biết chắc người ta không trả giá gì hết, tùy lương tâm của mình mà có lấy giá “cắt cổ” hay không. Anh không giấu niềm vui của mình khi chính cái nghề “cắt khóa làm chìa” này nuôi được 2 đứa con của anh ăn học và gia đình anh trụ được ở mảnh đất Sài Gòn “tiêu tiền như nước” này.
Xin đừng làm kẻ trộm!
Với thu nhập không dưới 6 triệu một tháng, những tưởng thợ khóa ai cũng an nhàn với nghề “vừng ơi mở ra” của mình. Tuy nhiên, càng tìm hiểu sâu chúng tôi mới vỡ lẽ ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười của những người thợ khóa. Có người cũng đã đi tù từ cái nghề được cho là hốt bạc này.
Như trường hợp ông H. ngày trước cắt khóa làm chìa ở trước cổng trường Đại học Văn Hóa, phường Thảo Điền, quận 2. Một lần ông theo một người phụ nữ về mở khóa cổng và cửa của một căn nhà ở cùng quận, được trả công gần 500.000đ nhưng hôm sau bị công an gọi lên làm việc và phải đi tù 6 tháng vì tội tiếp tay cho kẻ trộm!?
Còn anh Phước cũng đôi ba lần hú vía với nghề này, anh kể: “Cách đây hơn một năm rồi, tôi theo một anh thanh niên đi mở khóa cho một căn nhà mà cũng là một công ty gia đình. Ba hôm sau bị công an phường mời lên làm việc, cứ như vậy cả tuần mời lên mời xuống làm cả nhà lo sốt vó, còn tôi thì đứng ngồi không yên chẳng muốn ra chợ để làm nữa…”.
Sự việc chỉ được sáng tỏ khi công an tóm gọn tên thanh niên đó và cũng là cháu họ của chủ công ty trên, lúc đó anh thở phào nhẹ nhõm.
Anh nói thêm: “Cũng may lúc đó mình hợp tác nhiệt tình với công an, vì danh dự và sự trong sạch của mình, chứ lúc đó hoảng quá đâm ra nghĩ bậy rồi làm liều thì…”
Nhiều lần hai đứa con và vợ khuyên can anh bỏ cái nghề “chuyên mở cửa” nhà người ta đi, nhưng đâu rồi lại vào đấy. Giờ đây mỗi lần nhận đi mở khóa tận nhà anh phải đắn đo lắm và nhất quyết phải gặp được chủ của căn nhà.
Nói vậy không có nghĩa tất cả những thợ khóa đều lương thiện và trong sạch, đã có rất nhiều vụ trộm xảy ra mà khi công an giám định thì mới biết kẻ trộm là những thợ khóa lành nghề với kinh nghiệm mở khóa tại nhà rất nhiều và dần dần nổi lòng tham đi lệch hướng, biến thành một kẻ trộm nguy hiểm. Mở cửa và đột nhập vào nhà để khoắng sạch tài sản trong nhà những người giàu là điều ít khi xảy ra, nhưng lại xảy ra rất thường xuyên ở các khu trọ sinh viên với các ổ khóa thô sơ, chỉ cần vài ba chiêu là ra vào nhà tự do.
Thợ khóa cần phải “lên đời”
Được mọi người ưu ái đặt cho cái tên là thợ “cắt khóa, mở khóa, sửa khóa…”. Tuy nhiên không phải loại khóa nào người thợ cũng trị được. Thời buổi ngày càng hiện đại các công nghệ khóa ngày càng phức tạp, không phải chỉ khều khều như những ổ khóa thông thường là mở được. Để đứng vững trong nghề, người thợ cần phải học cách mở khóa nhiều hơn nữa, đó là những chia sẻ chân thành của anh Long với chúng tôi.
Những thợ làm khóa như thế này cần phải “lên đời”
Là mối quen của rất nhiều người làm khóa ở trước Bệnh viện Từ Dũ, anh Long cho hẳn số điện thoại của mình, nhưng cũng chính cách này nhiều lần hành anh phải bước thấp, bước cao trong cơn ngái ngủ đi mở khóa cho người ta.
Anh kể: “Có lần hơn 11h đêm nhận điện thoại của một số người với tiền công rất hậu hĩnh và giọng năn nỉ thảm thiết, thế là mang hộp đồ nghề đi, nhưng tới nơi không mở được ổ khóa, vì ổ khóa này hơi phức tạp. Thế là cả thợ và chủ đều nhìn nhau với vẻ thất vọng, gia chủ đành ở ngoài chờ trời sáng để ngày mai tuyển người thợ giỏi hơn.
Sau lần đó anh bị “quê độ” và ngay hôm sau đi đăng ký học ngay một lớp học về điện tử, tuổi đã lớn cập nhật kiến thức không được nhanh lắm nhưng giờ đây anh tự hào khoe rằng: “Sau những lần học tập để “nâng cấp” tay nghề mình lên, nếu giờ đây gặp phải một số loại khóa như vậy sẽ không còn cảnh lắc đầu nữa. Mình học là để phục vụ nghề và cũng để giữ khách, giữ mối làm ăn… chú cứ nói đùa nghề hốt bạc chứ để hốt bạc đâu phải dễ”.
Bài sưu tập từ BTV Muciu
TCCL tháng 8 năm 2011
Tác giả: Diễm Xưa
(Tiêu đề bài viết có sự thay đổi trên TCCL)